Bản mô tả chương trình đào tạo cử nhân Tiếng Anh thương mại

1692
  1. MÔ TẢ CHUNG VỀ CHƯƠNG TRÌNH
  2. Giới thiệu chương trình

Đào tạo Cử nhân Chuyên ngành Tiếng Anh thương mại có kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo, đặc biệt là tiếng Anh trong giao tiếp kinh doanh, thương thảo hợp đồng. Trong quá trình học tập, chương trình còn cung cấp kiến thức về kinh tế, kinh doanh và quản lý cần thiết để thích ứng với môi trường kinh doanh quốc tế.

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong rất nhiều lĩnh vực như biên – phiên dịch, kinh doanh, làm việc cho các văn phòng đại diện hoặc các cơ quan của chính phủ, tham gia vào những dự án trong và ngoài nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức kinh tế và tài chính quốc tế và khu vực…

  1. Thông tin chung về chương trình:
Đơn vị cấp bằng Trường Đại học Ngoại thương
Đơn vị phụ trách chuyên môn của chương trình Khoa Tiếng Anh Thương Mại
Tên văn bằng được cấp sau khi tốt nghiệp Cử nhân Tiếng Anh Thương Mại
Tên ngành đào tạo Ngôn ngữ Anh
Mã số ngành đào tạo TAN
Tên chương trình đào tạo Tiếng Anh Thương Mại
Số lượng tín chỉ cần đạt được 148 tín chỉ (không kể Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng)
Hình thức đào tạo Chính quy
Ngôn ngữ đào tạo Tiếng Anh và Tiếng Việt
Thời gian đào tạo 4 năm học
Thời gian ban hành CTĐT 1998
Thời gian rà soát, sửa đổi chương trình gần nhất Tháng 4 năm 2019
Kiểm định chương trình
Nơi phát hành/ban hành CTĐT Trường Đại học Ngoại thương
  1. Triết lý đào tạo:

Thúc đẩy sáng tạo, khai phóng; nuôi dưỡng tính trung thực, lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm.

  1. Mục tiêu đào tạo

Tất cả sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh Thương mại có năng lực sử dụng Tiếng Anh thành thạo, có kiến thức kinh doanh căn bản và nhận thức tốt về ý nghĩa đạo đức, xã hội, văn hóa và môi trường của doanh nghiệp. Đồng thời, họ là những người có kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp và làm việc nhóm hiệu quả.

  1. Chuẩn đầu ra
    • Về kiến thức

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh Thương mại có năng lực sử dụng Tiếng Anh tối thiểu bậc 5 theo Khung Năng lực ngoại ngữ Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT, ngày 24/1/2014 (tương đương C1 theo khung Năng lực ngoại ngữ Châu Âu); và BEC 3 (năng lực nghiên cứu và sử dụng thành thạo Tiếng Anh thương mại nâng cao trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh và thương mại quốc tế); có các kỹ năng như tư duy phê phán và giải quyết vấn đề, có thể xác định, nghiên cứu và phân tích các vấn đề trong các tình huống kinh doanh và đề xuất các giải pháp hợp lý.

  • Về kỹ năng

Kỹ năng chuyên môn

Sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh Thương mại, trường Đại học Ngoại thương khi tốt nghiệp sẽ có năng lực:

– Vận dụng kiến thức ngôn ngữ và văn hóa trong lĩnh vực ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp Tiếng Anh trong thực hành giao tiếp Tiếng Anh.

– Vận dụng kiến thức chuyên ngành bằng Tiếng Anh về kinh tế, thương mại quốc tế, tài chính, marketing, giao tiếp kinh doanh,  thư tín, hợp đồng …. vào các tình huống kinh doanh trong môi trường kinh doanh trong nước và toàn cầu.

Kỹ năng bổ trợ (kỹ năng chung)

Kỹ năng tư duy (thinking skills): kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá các vấn đề và đề xuất các giải pháp tối ưu.

Kỹ năng học vấn (intellectual skills): sử dụng được những kiến thức chuyên sâu ở cả hai lĩnh vực: Ngôn ngữ & Văn hóa Anh-Mỹ và Kinh tế &Thương mại quốc tế đã được trang bị trong chương trình đào tạo để làm việc hiệu quả.

Kỹ năng cá nhân và liên nhân (personal & interpersonal skills): các kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng Tin học ứng dụng, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ứng xử và giao tiếp chuyên nghiệp.

Ngoại ngữ và tin học

– Về trình độ ngoại ngữ

+ Sử dụng Tiếng Anh tối thiểu bậc 5 theo Khung Năng lực ngoại ngữ Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại thông tư 01/2014/TT-BGDĐT, ngày 24/1/2014 (tương đương C1 theo khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu); và BEC 3 (năng lực nghiên cứu và sử dụng thành thạo Tiếng Anh thương mại nâng cao trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh và thương mại quốc tế);

 + Sử dụng ngoại ngữ thứ 2 (một trong các thứ tiếng: tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Nhật) tương đương bậc 3/6 KNLNNVN ban hành kèm theo Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014

Về trình độ tin học

Sử dụng tin học văn phòng nâng cao (trình độ CNTT nâng cao theo quy định Thông tư 03/2014/TT-BTTTT), ngày 11 tháng 3 năm 2014.

  • Về năng lực tự chủ và trách nhiệm
  • Đạo đức nghề nghiệp,
  • Tác phong làm việc khoa học, kỷ luật, có hiệu quả, và khả năng thích ứng nhanh với môi trường làm việc đa văn hóa,
  • Làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với nhóm.
  • Tinh thần trách nhiệm cao, cầu thị và hợp tác với đồng nghiệp trong công việc,
  • Tự định hướng, đưa ra kết luận chuyên môn và có thể bảo vệ được quan điểm cá nhân.
  • Lập kế hoạch, điều phối, quản lý các nguồn lực, đánh giá và cải thiện hiệu quả các hoạt động.
  • Ý thức cộng đồng, trách nhiệm công dân.
    • Ma trận đáp ứng mục tiêu đào tạo của chuẩn đầu ra
Chuẩn đầu ra Mục tiêu đào tạo
1 2 3
1 5 5 5
2 5 5 5
3 5 5 5
  • Đối sánh và tham chiếu bên ngoài/nội bộ: thông tin về việc có đối sánh và tham chiếu bên ngoài/nội bộ để cung cấp thêm thông tin về chuẩn đầu ra (nếu có)

Đã có đối sánh và tham chiếu giữa các khoa ngoại ngữ có chuyên ngành ngôn ngữ thương mại của trường Đại học ngoại thương, và tham chiếu thông tin của Khoa Tiếng Anh – Trường Đại học Hà Nội.

  1. Cơ hội việc làm và khả năng học tập nâng cao trình độ sau tốt nghiệp
    • Cơ hội việc làm

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh Thương mại có thể đảm nhiệm các vị trí trong các lĩnh vực:

  • Giáo dục: giảng viên đại học, chuyên viên, tư vấn,…
  • Xuất nhập khẩu: chuyên viên, tư vấn, biên-phiên dịch viên, trợ lý giám đốc.
  • Tài chính, ngân hàng, kiểm toán, kinh doanh, marketing, bất động sản, truyền thông, truyền hình, hàng không, quản lý dự án, nghiên cứu, tư vấn chính sách, v.v…
    • Khả năng học tập nâng cao trình độ sau tốt nghiệp
  • Sinh viên có thể học để lấy thêm bằng đại học thứ hai thuộc một chuyên ngành khác của Đại học Ngoại thương như Tài chính-Ngân hàng, Quản trị kinh doanh….
  • Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể học Sau Đại học các chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, quản lý và giáo dục…
  1. Tuyển sinh, quá trình đào tạo và điều kiện tốt nghiệp
    • Tuyển sinh

Năng lực ngoại ngữ (đầu vào) của sinh viên:

  • Tốt nghiệp PTTH;
  • Tham dự kỳ thi PTTH và đạt điểm chuẩn khối D theo thông báo hàng năm của Phòng Quản lý Đào tạo trường Đại học Ngoại thương;
  • Là thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh;
  • 100% sinh viên đạt trình độ tiếng Anh bậc B1 theo Khung tham chiếu Châu Âu- tương đương bậc 3 theo Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.
    • Quá trình đào tạo và điều kiện tốt nghiệp
  • Thời gian học 4 năm.
  • Những sinh viên có đủ các điều kiện sau thì được xét và công nhận tốt nghiệp:

+ Cho đến thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập.

+ Tích lũy đủ số tín chỉ quy định cho chương trình đào tạo.

+ Điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học đạt từ 2,00 trở lên.

+ Có các chứng chỉ giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất.

  1. Phương pháp giảng dạy, học tập và đánh giá

Phương pháp giảng dạy, học tập và đánh giá được thực hiện theo nội dung các đề cương chi tiết cho từng học phần (xem Phụ lục 1) nằm trong chương trình đào tạo. Việc tổ chức giảng dạy, phương pháp giảng dạy từng học phần, phương pháp kiểm tra đánh giá đã được mô tả chi tiết dựa trên các yêu cầu chung của nhà trường và đặc thù của từng môn học theo yêu cầu của khoa.