TRĂM SỰ THI VẤN ĐÁP Ở FTU

1213

Lại một mùa thi vấn đáp nữa lại sắp đến với các FBEers K52 rồi! Có lẽ trong các hình thức thi ở FTU thì đây là hình thức thi gây ra nhiều cung bậc cảm xúc (lo lắng, hồi hộp, sợ hãi, mới mẻ,..) và nhiều bàn tán sôi nổi nhất. Vì đâu thi vấn đáp lại trở thành một đề tài tranh luận sôi nổi như vậy? Đó có phải là nỗi ám ảnh thường trực của tất cả các FTUer?


Toàn cảnh thi vấn đáp

Thi vấn đáp được hiểu đơn giản là hình thức thi mà giám khảo đặt câu hỏi và thí sinh trực tiếp trả lời. Từ khoảng K30 trở về trước, thi vấn đáp được áp dụng cho tất cả các bộ môn ở Ngoại Thương.Tuy nhiên hiện nay số lượng môn phải thi vấn đáp đã được giảm đi đáng kể. Trong suốt 4 năm học, mỗi sinh viên thường phải trải qua 2 đến 3 môn áp dụng hình thức thi này. Có thể kể đến một số môn thi vấn đáp nổi bật tại trường như Giao Dịch Thương Mại Quốc Tế, Marketing, Logistics và Vận Tải Quốc Tế hay Bảo Hiểm Trong Kinh Doanh…

Thi vấn đáp được đánh giá là một hình thức thi hiệu quả vì phản ảnh trực tiếp và đúng nhất về năng lực cũng như bản chất việc học của một sinh viên. Không chỉ giúp thầy cô có thể linh động kiểm tra được toàn bộ kiến thức của người thi mà phương pháp này còn góp phần đẩy lùi tình trạng học tủ, học lệch, học không hiểu bản chất hoặc thiếu sự liên hệ với thực tiễn. Không giống như thi tự luận hay trắc nghiệm, sinh viên khó có thể vượt qua kì thi dễ dàng mà không học cẩn thận hay chỉ dựa vào sự may mắn, lại càng không thể gian lận trong kì thi với bất kì một hình thức nào mà không bị phát hiện. Nhờ thi vấn đáp, kiến thức sẽ được nắm bắt hiệu quả hơn, bởi sinh viên không có những đáp án “bày sẵn” để khoanh /tích mà buộc phải thể hiện kiến thức và sau đó lí giải tỉ mỉ về chúng. Hơn nữa, đây được coi là một cơ hội cọ sát để sinh viên rèn bản lĩnh trình bày quan điểm của mình trước đám đông cũng như luyện tập cho những cuộc phỏng vấn xin việc sau này.

Nỗi ám ảnh “ghế nóng”

Nhiều năm trở lại đây, vấn đáp vẫn được cho là hình thức thi khó nhất với các bạn sinh viên Ngoại Thương. Do bao trùm toàn bộ chương trình học kể từ những tiểu tiết nhỏ nhất nên thậm chí nếu chỉ đặt mục tiêu qua môn ở mức độ trung bình, lượng kiến thức ôn thi đã khá nhiều. Còn với những ai đặt mục tiêu cao hơn, họ không những phải đầu tư đồng bộ vào kiến thức được học mà còn cần nghiên cứu theo chiều sâu và biết phân tích các trường hợp trong thực tiễn. Tóm lại, không thể “điền” vào lỗ hổng kiến thức thi vấn đáp bằng những cụm từ thông dụng như “học mơ màng”, “random” hay “chém gió” .

Thêm một yếu tố khiến sinh viên “sợ” thi vấn đáp đó là áp lực tâm lý của bản thân. Ngay từ những buổi học đầu tiên, hầu hết sinh viên đã tiếp nhận môn học có thi vấn đáp với tâm trạng nặng nề và luôn bị bó buộc trong một nỗi lo sợ vô hình bởi lời kể của những người học trước. Càng đến gần ngày thi, dù đã nắm bắt được phần nào bài học, các bạn vẫn cảm thấy phần kiến thức chưa học mở rộng hơn do có quá nhiều vấn đề mới phát sinh.Thêm vào đó, bộ môn ấy cũng chỉ là một trong số các môn phải ôn tập trong cùng đợt thi nên không thể tránh được việc gia tăng áp lực tâm lí do nhiều kiến thức chồng chéo. Ngồi trước phòng thi đợi đến lượt mình, mỗi bạn lại có một tâm trạng khác nhau nhưng nhìn chung, “nhiệt kế đo độ hồi hộp” của mỗi người đều diễn biến theo chiều tăng lên không ngừng nghỉ. Đỉnh điểm của sự căng thẳng là khi sinh viên chính thức nhận được câu hỏi của mình. Ngồi trên “ghế nóng” của phòng thi vấn đáp, đối mặt trực tiếp với các thầy cô, một sinh viên dù đã học hành cẩn thận và mang theo sự tự tin lớn, tinh thần cũng vẫn bị hao hụt đi vài phần. Cô Trần Hồng Ngân – Giảng viên bộ môn Giao Dịch Thương Mại Quốc Tế chia sẻ: “ Từng có trường hợp thí sinh vừa bước vào phòng thi, chưa kịp trả lời đã ngồi khóc rưng rức, khóc một cách “ngon lành” khiến thầy cô lúc ấy cũng cảm thấy sợ thay cho sinh viên”. Với những áp lực như trên, hy vọng điểm số của một bộ phận sinh viên đã “giảm dần đều” theo quá trình học đến lúc kết thúc bài thi.

Sự thật đằng sau chữ “ảo”

Hầu hết FTUers đã trải qua thi vấn đáp đều khẳng định điểm thi của những môn này không cao bằng môn thi tự luận hoặc trắc nghiệm. Có không ít người đã đổ trách nhiệm cho kết quả không mong muốn đó lên một chữ “ảo”. Với sinh viên, chữ “ảo” ấy là tập hợp của hàng loạt các lí do khách quan như câu hỏi khó, bị hỏi vào tiểu tiết, bị hỏi nhiều và đôi khi là tâm trạng khi chấm điểm của các thầy cô… Trên thực tế, sinh viên đã áp đặt quá nhiều định kiến chủ quan lên hình thức thi này dù biết rất rõ lỗ hổng kiến thức và tâm lí phòng thi mới thực sự là nguyên nhân chính Có một thực trạng đáng buồn là phần lớn sinh viên gặp vấn đề về phương pháp học cũng như việc cân bằng quỹ thời gian của mình. Đặc biệt, trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà các hoạt động ngoại phong trào ngày càng nở rộ ở Ngoại Thương, việc “để kênh” giữa chuyện học và chơi là tình trạng dễ nhận thấy ở không ít bạn trẻ. Hơn nữa, việc thiếu chủ động trong học tập và nghiên cứu của nhiều sinh viên dẫn đến kết quả chưa cao còn được thể hiện rõ ở tất cả các môn không riêng gì vấn đáp.

Một câu hỏi có phần “nhạy cảm” được đặt ra sau mỗi mùa thi: “có thật SV đã bị thầy cô làm khó?”. Có những bạn bày tỏ rằng nhiều khi câu hỏi phụ còn khó hơn câu hỏi chính và thầy cô thường nắm bắt điểm yếu của sinh viên để xoáy sâu vào. Đây là những ý kiến bất hợp lý. Thứ nhất, nếu bạn có ý thức học tập tốt, tự tin với việc học của mình thì khoảng cách khó dễ giữa các câu hỏi không bao giờ là quá lớn. Thứ hai, nhà trường và bộ môn không có một quy định cụ thể nào cho rằng câu hỏi phụ là câu hỏi gỡ điểm và bắt buộc phải dễ hơn câu hỏi chính. Các câu hỏi đó chỉ nhằm mục đích đánh giá độ nông – sâu hoặc là những “lời gợi ý ngầm” để giúp sinh viên có thể tìm ra đáp án của câu hỏi chính. Tất cả tiêu chí cho điểm đều phụ thuộc vào kiến thức và bản lĩnh của chính người học. Tư tưởng trên vì thế không nên bị hiểu lầm thêm nữa.

Kết

Thực tế, thi vấn đáp ở Ngoại Thương mới chỉ “phủ sóng” ở một số ít bộ môn và không thể trở thành nỗi ám ảnh lâu dài của người học. Tuy nhiên, điều quan trọng là dù phải đối mặt hình thức nào, các FTUers cũng cần xác định một thái độ, phương pháp học tập nghiêm túc, đồng thời luôn giữ cho mình một tâm lí thoải mái để tự tin ngồi trên “ghế nóng” mỗi mùa thi.

Nguồn: Báo Nội san sức trẻ – Số 40